Những trường hợp thu hồi đất mà không bồi thường
Căn cứ Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ, Nhà nước sẽ thu hồi đất mà không bồi thường về đất đối với các trường hợp: Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục.
Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng. Trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này. Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
Nâng mức xử phạt lĩnh vực môi trường
Ngày 18/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 01/02/2017 (thay thế Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ). Theo nghị định này, mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường rất cao so với trước đây, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm của cá nhân là 1 tỷ đồng và tổ chức là 2 tỷ đồng.
Mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường lên đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức
Cụ thể, liên quan đến thủ tục, hồ sơ môi trường, phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm về kê khai nộp phí bảo vệ môi trường với mức phạt đến 1 tỷ đồng theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP. Đối với vi phạm liên quan đến chất thải, hành vi vi phạm về xả nước thải, khí thải, tiếng ồn, độ rung... vượt quy chuẩn quy định ra môi trường, bị xử phạt từ 600 nghìn đến 2 tỷ đồng theo quy định tại Điều 13, 15, 17, 18 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP; hành vi vi phạm về thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, bị xử phạt từ 10 triệu đến 2 tỷ đồng theo quy định tại Điều 20, 21 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP...
Phạt cao nhất 250 triệu đồng
Theo Luật Tài nguyên nước năm 2012, các tổ chức, cá nhân có hoạt động thăm dò, khai thác sử dụng nước dưới đất từ 10m3/ngày trở lên và xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng từ 5m3/ngày trở lên phải tiến hành xin phép theo quy định. Trường hợp khai thác sử dụng nước dưới đất nhỏ hơn 10m3/ngày nhưng thuộc vùng đăng ký khai thác nước dưới đất thì không phải xin phép khai thác nhưng phải tiến hành đăng ký theo quy định. Một số trường hợp xả nước thải nhỏ hơn 5m3/ngày nhưng vẫn phải xin phép được quy định tại Khoản 5 Điều 3 Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc đăng ký và cấp phép thăm dò, khai thác nước dưới đất được căn cứ vào danh mục vùng cấm, hạn chế và đăng ký khai thác nước dưới đất tại Quyết định số 3258/QĐ-UBND ngày 10/12/2015 của UBND tỉnh Bình Dương.
Mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước khá cao. Ảnh: Báo Bình Dương
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 quy định cụ thể mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước với mức phạt khá cao. Trong đó, mức phạt cao nhất lên đến 250 triệu đồng đối với cá nhân không xin phép thăm dò, khai thác nước dưới đất và xả nước thải vào nguồn nước theo quy định; phạt cao nhất 150 triệu đồng đối với cá nhân xả nước thải vào nguồn nước không đúng quy định của giấy phép… Mức phạt đối với tổ chức gấp 2 lần đối với cá nhân.
Nguồn: binhduong.gov.vn