Tin Tức
Thứ 3, Ngày 14/09/2021, 10:00
Hoạt động của Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương trong 09 tháng đầu năm 2021
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
14/09/2021
(BDIZA) - Thực hiện chương trình công tác năm 2021, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương; sự hỗ trợ của các ngành các cấp; hoạt động của Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương trong 09 tháng đầu năm 2021 đạt được kết quả như sau:
1. Công tác quản lý quy hoạch, xây dựng KCN
a) Công tác quản lý quy hoạch: 
Đến nay, tổng số khu công nghiệp được quy hoạch trên địa bàn tỉnh là 33 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là 14.790 ha. Ban Quản lý tiếp tục được giao quản lý 29 KCN, với tổng diện tích quy hoạch 12.662,81 ha; trong đó có 27 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 10.962,81 ha, 2 KCN đang tiến hành các thủ tục đầu tư cơ sở hạ tầng là KCN Việt Nam - Singapore III và KCN Cây Trường với tổng diện tích 1.700 ha.
Ngày 04/02/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 159/TTg-CN chấp thuận điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, qua đó đã đồng ý điều chỉnh ranh quy hoạch của KCN Việt Nam - Singapore III và KCN Cây Trường. Hiện nay, 2 KCN nói trên đang thực hiện thủ tục quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000, Ban Quản lý đã góp ý kiến về quy hoạch chung của KCN Việt Nam - Singapore. 
b) Tiến độ lập quy hoạch sử dụng đất KCN thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất KCN năm 2021: 
Hiện nay đã có 7 chủ đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN đăng ký mở rộng và thành lập mới 17 KCN với tổng diện tích đất đăng ký là 14.787,45 ha, trong đó, có 5 KCN được đăng ký mở rộng với diện tích là 3.242,99  ha và 12 KCN được đăng ký thành lập với diện tích 11.544,46 ha. Ban Quản lý tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo để bổ sung theo quy hoạch.
c) Cây xanh: Các khu công nghiệp đã trồng 76,42 ha cây xanh tập trung. Lũy kế đến nay, 29 KCN đã trồng được 655,35 ha cây xanh tập trung (đạt 64% so với quy hoạch được duyệt) và 104.803 cây xanh phân tán.
d) Công tác đầu tư xây dựng: 
- Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN: Lũy kế vốn thực hiện đến nay là 16.054,98 tỷ đồng, đạt 60,35% tổng số vốn được duyệt.
- Đầu tư xây dựng công trình của các doanh nghiệp KCN: Cấp phép xây dựng cho 117 công trình (giảm 1 công trình so với với cùng kỳ năm 2020), với tổng diện tích sàn xây dựng 1.109.400,28 m2 (tăng 154.191,84 m2, bằng 116% so với cùng kỳ năm 2020) và tổng vốn xây dựng đạt 3.934 tỷ đồng (tăng 1.005,73 tỷ đồng, bằng 134,34% so với cùng kỳ năm 2020); điều chỉnh giấy phép xây dựng cho 13 trường hợp, gia hạn giấy phép xây dựng cho 3 trường hợp, xác nhận thông tin để cấp sở hữu công trình cho 31 trường hợp.
- Nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng: Kiểm tra 95 công trình (giảm 38 công trình so với cùng kỳ năm 2020), với tổng diện tích sàn xây dựng 1.526.963,77 m2 (giảm 288.015 m2, bằng 84,13% so với cùng kỳ năm 2020), giá trị đầu tư xây dựng đạt 5.697,93 tỷ đồng, giảm 1.215,42 tỷ đồng, bằng 82,42% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 189,93% kế hoạch năm 2021 (3.000 tỷ đồng).
- Thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng: Thẩm định 140 công trình (tăng 8 công trình so với cùng kỳ năm 2020) với tổng vốn đầu tư xây dựng 3.605,85 tỷ đồng (giảm 524,98 tỷ đồng, bằng 87,29% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó:
+ Thẩm định thiết kế bản vẽ thi công (1 bước): 89 công trình, với tổng diện tích sàn xây dựng 162.990,75 m2 và tổng vốn xây dựng 360,35 tỷ đồng.
+ Thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng (2 bước): 51 công trình với tổng diện tích sàn xây dựng 1.005.004,47 m2 và tổng vốn xây dựng 3.245,5 tỷ đồng).
Như vậy, 9 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư xây dựng thực hiện của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đạt 3.605,85 tỷ đồng, giảm 3.453,95 tỷ đồng, bằng 51,07% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 115,57% kế hoạch năm 2021 (3.120 tỷ đồng).   
e) Cho thuê đất: Các KCN đã cho 37 doanh nghiệp thuê đất với tổng diện tích 131,22 ha, đạt 131,22% kế hoạch năm 2021 (100 ha). Lũy kế đến nay, các KCN đã cho thuê đất với tổng diện tích 6.826,05 ha, tỷ lệ lấp đầy là 89,85%.
Ngoài ra, Ban Quản lý đã tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ (theo Quyết định số 750/QĐ-TTCP ngày 02/12/2020; Quyết định số 141/QĐ-TTCP ngày 31/3/2021) kiểm tra tình hình triển khai thực hiện quy hoạch phát triển các khu công nghiệp.
2. Tình hình thu hút dự án đầu tư vào các KCN 
a) Thu hút đầu tư trong nước: Các KCN đã thu hút được 2.552 tỷ đồng giảm 64,27% so với cùng kỳ và đạt 182,30% kế hoạch năm 2021. Trong đó cấp mới 10 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.414 tỷ đồng, giảm 61,54% về số dự án và giảm 68,63% về số vốn so với cùng kỳ; 2 lượt dự án điều chỉnh tăng thêm vốn đầu tư với số vốn tăng thêm 1.138 tỷ đồng, bằng số dự án thu hút và tăng 364% về vốn so với cùng kỳ.
b) Thu hút đầu tư nước ngoài: Các KCN đã thu hút 2,11 tỷ đôla Mỹ, tăng 151,27% so với cùng kỳ và đạt 176% so với kế hoạch năm 2021. Trong đó cấp mới 37 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 416.617.306 đôla Mỹ, giảm 46,38% về số dự án nhưng tăng 13,63% về số vốn so với cùng kỳ; 75 lượt dự án điều chỉnh tăng thêm vốn đầu tư 1.696.515.884 đôla Mỹ giảm 23,47% về số dự án nhưng tăng 257,66% về vốn so với cùng kỳ.
Chấm dứt hoạt động 9 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 23.234.502 đôla Mỹ và 1 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 50 tỷ đồng. Ngoài ra, có 1 dự án đầu tư nước ngoài giảm vốn đầu tư với số vốn đăng ký giảm là 185.613 đôla Mỹ.
Như vậy, đến nay các KCN Bình Dương có 2.981 dự án còn hiệu lực, bao gồm 2.320 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 26,1  đôla Mỹ và 661 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 77.639 tỷ đồng.
3. Công tác quản lý doanh nghiệp
a). Công tác quản lý doanh nghiệp:
- Tình hình doanh nghiệp: Lũy kế đến nay, có 2.432 doanh nghiệp còn hiệu lực. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 2.023 doanh nghiệp, 409 doanh nghiệp đầu tư trong nước.
- Tình hình khó khăn của Doanh nghiệp: 
Hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp hiện vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản, nhất là việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều; chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao…. Hiện nay ngành gỗ mặc dù đơn hàng nhiều nhưng lại thiếu lao động, thiếu nguyên liệu sản xuất; bên cạnh đó ngành sản xuất kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giá thép tăng cao cũng ảnh hưởng lớn đến một số ngành có sử dụng nguyên liệu là sắt thép. 
b) Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN:
Vốn đầu tư thực hiện: Ước vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp đạt 1,76 tỷ đôla Mỹ, tăng 1,98% so với cùng kỳ và đạt 126,24% kế hoạch năm; Trong đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.574 triệu đôla Mỹ (chiếm tỷ lệ 82%), tăng 2,15% so với cùng kỳ, khu vực trong nước đạt 193 triệu đôla Mỹ (chiếm tỷ lệ 18%), tăng 1,88% so với cùng kỳ.
Ước các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh 9 tháng cuối năm 2021 của các doanh nghiệp KCN đạt được như sau:
- Doanh thu: 21,30 tỷ đôla Mỹ, tăng 3,25% so với cùng kỳ và đạt 60,88% kế hoạch năm; trong đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16,90 tỷ đôla Mỹ (chiếm tỷ lệ 79,34%), tăng 2,75% so với cùng kỳ, khu vực trong nước đạt 4,40 tỷ đôla Mỹ (chiếm tỷ lệ 20,65%), tăng 2,15% so với cùng kỳ.
- Kim ngạch xuất khẩu: 14,95 tỷ đôla Mỹ, tăng 2,75% so với cùng kỳ và đạt 59,82%  kế hoạch năm; trong đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 14,33 tỷ đôla Mỹ (chiếm tỷ lệ 95,71%), tăng 3,25% so với cùng kỳ, khu vực trong nước đạt 615,1 triệu đôla Mỹ (chiếm tỷ lệ 4,29%), tăng 3,55% so với cùng kỳ.
- Kim ngạch nhập khẩu: 14,09 tỷ đôla Mỹ, tăng 1,85% so với cùng kỳ và đạt 70,49% kế hoạch năm; trong đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 12,91 tỷ đôla Mỹ (chiếm tỷ lệ 91,14%), tăng 1,85% so với cùng kỳ, khu vực trong nước đạt 1,18 tỷ đôla Mỹ (chiếm tỷ lệ 8,86%), tăng 3,15% so với cùng kỳ.
- Thuế và các khoản nộp ngân sách: 319,64 triệu đôla Mỹ, tăng 1,75% so với cùng kỳ và đạt 60,31% kế hoạch năm; trong đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 275,16 triệu đôla Mỹ (chiếm tỷ lệ 86,19%), tăng 1,55% so với cùng kỳ, khu vực trong nước đạt 44,48 triệu đôla Mỹ (chiếm tỷ lệ 13,81%), tăng 1,85% so với cùng kỳ.
c) Công tác trong việc phòng, chống dịch Covid-19:
- Ban Quản lý đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn và yêu cầu các Chủ đầu tư khu công nghiệp và các Doanh nghiệp triển khai thực hiện các quy định, hướng dẫn, khuyến cáo về phòng, chống dịch Covid - 19 của Chính phủ, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Ban Chỉ đạo các cấp về phòng, chống dịch Covid-19.
- Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh và các Chủ đầu tư các khu công nghiệp tổ chức tiêm vắc xin cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” và/hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” trong các khu công nghiệp. Người lao động không phải trả bất kỳ khoản phí nào cho việc tiêm vắc xin. Đến nay đã tiêm vắc xin phòng Covid -19 cho 132.838 liều cho người lao động.
- Phối hợp CDC tỉnh tổ chức xét nghiệm diện rộng tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Đến nay đã lấy mẫu xét nghiệm diện rộng tại 1.045 doanh nghiệp trong các KCN với tổng số 103.463 lao động (trong đó phát hiện 458 ca nghi nhiễm tại 53 doanh nghiệp).   
- Hướng dẫn các doanh nghiệp ngừng sản xuất, giảm lao động và cho công nhân về nơi ở/ cư trú theo công văn số 3079/BQL-LĐ ngày 19/8/2021 của Ban Quản lý. Qua đó, đã thông báo chấp thuận cho 27 doanh nghiệp ngừng sản xuất và 265 doanh nghiệp giảm lao động, với tổng số lao động giảm là 8.359 lao động.
- Tham gia đoàn công tác hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc cho người lao động tại các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp.
- Hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các chế độ, chính sách cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo quy định Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021.
- Vận động các doanh nghiệp đóng góp vật tư, trang thiết bị, thực phẩm, nước uống để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Đồng ý và tạo điều kiện để chính quyền địa phương trưng dụng các nhà xưởng chưa xử dụng làm nơi cách ly, thu dung, điều trị các trường hợp nhiễm Covid-19.
Ngoài ra, Ban Quản lý cùng Đoàn giám sát của Ban Chỉ đạo tỉnh đã tiến hành giám sát công tác phòng, chống dịch; tham gia các Đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch theo đề nghị của Sở Y tế…
4. Công tác quản lý Môi trường
- Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường: Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường 126 lượt tại các doanh nghiệp KCN, bao gồm: Kiểm tra việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường phục vụ công tác xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường 30 doanh nghiệp; kiểm tra việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường phục vụ thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường 32 doanh nghiệp; kiểm tra công tác bảo vệ môi trường làm căn cứ phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường 1 doanh nghiệp; kiểm tra việc thực hiện công tác vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải 30 doanh nghiệp; kiểm tra các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành 15 doanh nghiệp; kiểm tra công tác bảo vệ môi trường 18 doanh nghiệp.
­ Công tác phối hợp: 
+ Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường: Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại 2 doanh nghiệp: Công ty TNHH Taitan Việt Nam (KCN Bàu Bàng mở rộng) và Công ty TNHH Xưởng giấy Chánh Dương (KCN Mỹ Phước); họp thẩm định báo cáo đánh tác động môi trường 1 dự án thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Công ty TNHH Special Gravity (KCN VSIP II-A).
+ Phối hợp các Sở, Ban, Ngành của tỉnh: Tham gia Đoàn thẩm định của Sở Công Thương về điều kiện tồn chứa hóa chất của Chi nhánh Công ty TNHH XNK Hóa chất Nghi Sơn (KCN Rạch Bắp); dự họp góp ý Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân và kịch bản diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương; lấy ý kiến thẩm định ĐTM đối với 3 dự án ở KCN Tân Bình: Công ty TNHH Baidu Việt Nam, Công ty TNHH Blue Valley, Công ty TNHH Sàn nhà Vĩnh Dụ.
+ Chuyển hồ sơ đến Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường để xử lý vi phạm hành chính: 31 doanh nghiệp.
- Công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường/Kế hoạch bảo vệ môi trường và xác nhận hoàn thành các công trình xử lý môi trường: Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (Họp thẩm định và hình thức lấy ý kiến) cho 53 dự án, giảm 16 hồ sơ so với cùng kỳ tương ứng 23,2%. Phê duyệt 58 hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường, giảm 27 hồ sơ so với cùng kỳ tương ứng 31,8%. Tham mưu và trình Trưởng Ban xác nhận đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường cho 90 dự án, giảm 11 hồ sơ so cùng kỳ tương ứng 10,9%. Cấp Giấy xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường giai đoạn vận hành dự án cho 17 doanh nghiệp, tăng 5 hồ sơ so với cùng kỳ tương ứng 29,4%.
5. Công tác quản lý lao động
a) Tình hình sử dụng lao động của các doanh nghiệp:
- Lao động trong nước: Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên tình hình lao động, việc làm chịu ảnh hưởng, số lao động thu hút trong 9 tháng là 719 lao động giảm 5.552 lao động (giảm 88,5%) so với cùng kỳ, bằng 7,19 so với kế hoạch năm 2021 (thu hút 10.000 lao động). Tổng số lao động đang làm việc trong các KCN đến nay là 479.146 người, tăng 1.979 lao động so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, 84,3% (404.087 lao động) làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 15,7% (75.059 lao động) làm việc trong các doanh nghiệp trong nước.
+ Lao động người Bình Dương: 45.239 người, chiếm 9,44% trong tổng số lao động các KCN, trong đó lao động nữ là 25.652 người, chiếm 56,7% so với tổng số lao động người Bình Dương.
- Lao động nước ngoài: Cấp mới 4.397 giấy phép lao động, tăng 199,4% (tăng 2.192 giấy phép) so với cùng kỳ; cấp lại 379 giấy phép lao động, giảm 1.322 giấy phép lao động so với cùng kỳ và gia hạn cho 875 giấy phép lao động. Tổng số lao động người nước ngoài làm việc tại các KCN Bình Dương là 15.183 người, tăng 811 lao động so với cùng kỳ. Trong đó, lao động không thuộc diện cấp giấy phép là 451 người, lao động thuộc diện cấp giấy phép là 14.732 người. 
Tổng hợp báo cáo giải trình về nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài trình UBND tỉnh và ban hành thông báo chấp thuận cho 1.982 lượt doanh nghiệp với số lao động người nước ngoài doanh nghiệp dự kiến sử dụng là 8.129 người (tăng 2.265 người so với cùng kỳ). Đồng thời tổng hợp báo cáo UBND tỉnh thông báo hỗ trợ nhập cảnh cho 1.975 lượt doanh nghiệp với 4.598 chuyên gia.
b) Tình hình thực hiện Bộ luật Lao động:
Tính đến nay, có 470.601 lao động được ký hợp đồng lao động, đạt tỷ lệ 98,2% tổng số lao động làm việc trong KCN. Có 286 doanh nghiệp đăng ký nội quy lao động, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2020, nâng tổng số doanh nghiệp đã đăng ký nội quy lao động là 1.640 doanh nghiệp; có 180 doanh nghiệp thực hiện đăng ký thỏa ước lao động tập thể, giảm 11% (giảm 18 doanh nghiệp) so với cùng kỳ năm 2020, nâng tổng số doanh nghiệp đã đăng ký thỏa ước lao động tập thể là 1.202 doanh nghiệp. 
- Về thu nhập của người lao động: Thu nhập bình quân của một lao động trực tiếp sản xuất 7.135.000 đồng/tháng, bằng cùng kỳ năm 2020.
c) Tình hình tranh chấp, giải quyết khiếu nại về lao động:
- Tình hình tranh chấp lao động: Xảy ra 10 vụ ngừng việc và đình lãn công với 5.118/9.245 người lao động tham gia (bằng về số vụ so với cùng kỳ năm 2020). Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp thực hiện chưa đúng các quy định của pháp luật lao động về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào đêm, giải quyết phép năm, chế độ nâng lương…; và người lao động yêu cầu về quyền và lợi ích như tiền thưởng dịp Tết nguyên đán, cải thiện chất lượng bữa ăn... Khi các vụ việc xảy ra, Ban Quản lý đã kịp thời đến làm việc, ổn định tình hình an ninh trật tự, giải thích với Ban Giám đốc Công ty và người lao động để đưa ra phương án cụ thể và người lao động quay lại làm việc bình thường.
- Giải quyết khiếu nại về lao động: Tiếp nhận 37 đơn thư khiếu nại của người lao động (giảm 21 đơn so với cùng kỳ). Nguyên nhân của các vụ khiếu nại chủ yếu liên quan đến tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động. Kết quả, Ban Quản lý đã hòa giải thành 29 trường hợp và hòa giải không thành 8 trường hợp, đề nghị chuyển tòa án để tiếp tục giải quyết theo quy định.
d) An toàn lao động: 
Các doanh nghiệp quan tâm đến việc tổ chức tập huấn an toàn lao động, triển khai thực hiện Tuần lễ Quốc gia về An toàn lao động - phòng chống cháy nổ. Hầu hết các doanh nghiệp đều lập cơ sở y tế tại đơn vị mình và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Trong 9 tháng năm 2021, đã xảy ra 5 vụ tai nạn lao động, tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể bao gồm:
- Vụ thứ nhất: 1 vụ đột tử tại Công ty TNHH Scancom (KCN Sóng Thần 1). Kết quả khám nghiệm của cơ quan pháp y là người lao động bị nhồi máu cơ tim. 
- Vụ thứ hai: Tại Công ty TNHH Puku Việt Nam (KCN Đồng An). Nạn nhân là công nhân kho, bị thang máy chuyển hàng đè chết người. Công ty đã làm thủ tục với các cơ quan chức năng và hỗ trợ cho gia đình nạn nhân theo đúng quy định. 
- Vụ thứ ba: Tại Công ty TNHH Việt Phong Hải (KCN Việt Nam - Singapore II-A) làm 01 công nhân tử vong do bị điện giật.
- Vụ thứ tư: Tại Công ty TNHH Jia Bao Rui Việt Nam (KCN Bàu Bàng) làm 1 công nhân tử vong do bị máy dập đè.
- Vụ thứ năm: Tại Công ty TNHH Princemate (KCN Nam Tân Uyên) làm 1 công nhân của Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Tuyền Long là đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý nước thải cho Công ty TNHH Princemate tử vong do bị đuối nước tại khu vực hố ga chứa nước mưa và nước thải của khu xử lý nước thải.
e) An toàn vệ sinh thực phẩm:
Các doanh nghiệp cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, cung cấp nước uống sạch, bố trí hệ thống vệ sinh đầy đủ, xây dựng nhà ăn tập thể, tích cực thực hiện công tác An toàn vệ sinh thực phẩm nhằm nâng cao ý thức trong việc chế biến, sử dụng thực phẩm đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Tham gia tốt lễ phát động tháng an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong 9 tháng năm 2021, trong các Khu công nghiệp không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.
6. Tình hình an ninh trật tự và phòng chống cháy, nổ trong KCN
a) Tình hình an ninh trật tự:
Ngoài các vụ đình công đã được giải quyết ổn thỏa, không để xảy ra điểm nóng. Nhìn chung tình hình an ninh trật tự tại các KCN tương đối ổn định, Ban Quản lý cùng Chủ đầu tư KCN, lực lượng Công an và các cơ quan của địa phương có sự phối hợp tốt trong việc gìn giữ ANTT, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ trong KCN, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2021, dịp lễ ngày Chiến thắng (30/4); ngày Quốc tế lao động (01/5); Quốc khánh 2/9 và ngày bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp. 
b) Tình hình an toàn phòng chống cháy nổ:
Xảy ra 8 vụ cháy (tăng 2 vụ so với cùng kỳ năm 2020). Các vụ cháy xảy ra đa só cháy nhỏ, không có thiệt hại về người, chỉ thiệt hại về tài sản.
7. Công tác cải cách thủ tục hành chính, tiếp nhận và xử lý văn bản
- Công tác văn thư: 
Tiếp nhận 6.504 văn bản đến các loại, tăng 76,8% (tăng 2.826 văn bản) so với cùng kỳ; Trong đó, Trung ương 49; địa phương 3120, doanh nghiệp 3.335. Phát hành 5.100 văn bản, tăng 18,3% (tăng 788 văn bản) so với cùng kỳ. Ngoài ra, còn phát hành 483 thư mời họp, sao y bản chính 83, giấy đi đường 56.
- Tình hình thực hiện cơ chế “một cửa”: Tiếp nhận 10.666 hồ sơ tăng 21,9% (1.919 hồ sơ) so với cùng kỳ (trong đó có 272 hồ sơ tiếp nhận qua mạng). Kết quả: 58 hồ sơ đang xử lý, 10.488 hồ sơ xử lý xong, hũy: 120 hồ sơ.
- Trả kết quả qua bưu điện: Có 1.045 hồ sơ trả kết quả qua đường bưu điện (trong đó trả bổ sung: 256 hồ sơ), tăng 678,57% so với cùng kỳ.
- Website Ban Quản lý thường​ xuyên đăng tin, cập nhật thông tin đầy đủ, kịp thời đặc biệt là các thông tin về tình hình dịch bệnh Covid - 19. Đã đăng 312 tin bao gồm: 96 thông báo, 112 tin tức sự kiện, 5 tin kết quả giải quyết TTHC, 1 tin văn bản chỉ đạo điều hành, 2 tin Thông tin doanh nghiệp, 72 tin Thông tin Covid-19, 24 tin tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và các tin trả lời ý kiến bạn đọc.
Riêng đối với Phần mềm một cửa điện tử: Cơ quan đã đăng ký thực hiện ứng dụng mức độ 3,4 với số lượng 35 TTHC trên trang dịch vụ công của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay chỉ được tiếp nhận, phát sinh hồ sơ dưới dạng trực tuyến mức độ 3. Việc tiếp nhận hồ sơ mức độ 4 vẫn chưa thực hiện được do phần phân hệ tính phí trên môi trường mạng chưa hoàn thiện. 
Đánh giá chung:
Trong 9 tháng đầu năm 2021, sự bùng phát của dịch COVID - 19 với biến thể mới, nguy hiểm, khó kiểm soát đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Mặc dù tình hình có rất nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các ngành, địa phương, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó góp phần duy trì ổn định và phát triển các KCN theo định hướng đã đề ra. 
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp KCN được duy trì; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 176%, thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 182%, vốn đầu tư xây dựng thực hiện đạt  đạt 115,57% và vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp đạt 126% so với kế hoạch năm 2021. Nhà đầu tư Singapore, Đài Loan, Samoa, Trung Quốc, Hong Kong … có vốn đầu tư cao nhất trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào KCN trong thời gian qua. 
Chú trọng công tác cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, giải quyết thủ tục nhanh, trực tuyến. 
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh bùng phát, một số doanh nghiệp không có đơn hàng để sản xuất, khó khăn trong quá trình vận chuyển, đi lại, chi phí sản xuất tăng, chủ doanh nghiệp và lao động là nhà quản lý chưa được nhập cảnh qua Việt Nam để điều hành, người lao động bị mất việc. Tình hình triển khai TTHC mức độ 4 còn chậm do không thanh toán được phí.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương

Lượt người xem:  Views:   3116
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
 
 
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Tác giả

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Từ khóa

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Email

FriendlyName

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Ảnh
Video
Audio
Tin Tức