Cùng
chủ trì hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Thủ tướng
Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí
Dũng; 180 đại biểu
đại diện cho các doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN đầu tư nước ngoài tại
Việt Nam; lãnh đạo UBND 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu trực tuyến;
37 điểm cầu DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Tại
điểm cầu Bình Dương, tham dự có ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND
tỉnh; đại diện các sở, ngành; DN nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Bình Dương
Thông
tin tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho
biết, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 đạt được những kết quả tích
cực. Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế nhận định là "điểm sáng trong
bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Trong 3 tháng đầu năm 2023,
kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định;
thương mại xuất siêu 4,07 tỷ đô la Mỹ; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội
quý I tăng 3,7% so với cùng kỳ; thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực
hiện đạt 4,3 tỷ đô la Mỹ; tăng trưởng kinh tế ước đạt 3,32% so với
cùng kỳ năm trước; du lịch phục hồi tích cực, khách quốc tế 3 tháng đầu
năm đạt gần 2,7 triệu lượt, gấp 29,7 lần cùng kỳ.
Hội
nghị đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu thảo luận, phân tích, đề xuất
của đại diện các Hiệp hội, DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam về xu hướng
dòng vốn đầu tư trên thế giới và đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh
tại Việt Nam; nhận diện thách thức, tận dụng cơ hội để đầu tư, mở rộng
đầu tư trong một số lĩnh vực tại Việt Nam. Trong đó nổi bật là các kiến
nghị liên quan đến: Giải pháp về lao động; cấp thị thực cho người nước
ngoài; phòng cháy, chữa cháy; thực phẩm; thẩm định, cấp giấy phép cho
trang thiết bị y tế loại C và D; cơ chế đấu thầu trang thiết bị y tế;
năng lượng (Quy hoạch điện VIII, điện gió, điện mặt trời)… Bên cạnh đó,
hội nghị cũng được nghe lãnh đạo các địa phương báo cáo những tồn tại,
vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ để thúc đẩy thu hút và triển khai
các dự án có sử dụng đất, trong đó có các dự án FDI; đồng thời kiến nghị
giải pháp tháo gỡ.
Phát biểu kết luận
hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương
triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tạo môi
trường đầu tư kinh doanh thuận lợi với phương châm "Lấy người dân, doanh
nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực, nguồn lực
phát triển". Tiếp tục rà soát và đánh giá thực trạng, có giải pháp cải
thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm
chi phí cho các DN; triển khai các giải pháp giãn, hoãn nợ; giãn, hoãn,
giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để thúc đẩy tăng trưởng trong cả
tiêu dùng và sản xuất; giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề
xuất của DN. Kịp thời hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính
sách liên quan, nhất là xử lý những khó khăn, vướng mắc liên quan tới
tiếp cận vốn, thị trường trái phiếu, bất động sản, tiếp cận đất đai, thủ
tục hành chính, vấn đề thuế, phí, lệ phí, quy định phòng cháy, chữa
cháy, bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, khí thải…
Đối với cộng đồng DN, nhà đầu tư cần xây
dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường,
tập trung vào các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh
tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện
tốt văn hóa doanh nhân, chế độ, chính sách đối với người lao động; nêu
cao tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; "đã nói là
phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả"; chủ động đổi mới mô hình
sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp; kịp thời cung cấp và báo
cáo các vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động và kiến nghị, đề
xuất các chính sách, pháp luật phù hợp.
Nguồn: binhduong.gov.vn