Với phương châm trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư, những năm qua, Bình Dương đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại phục vụ các nhà đầu tư. Đến nay, Bình Dương có 28 KCN; 08 CCN; trong đó, 26 KCN đang hoạt động, 02 KCN đang xây dựng, 100% KCN đã lập hồ sơ về môi trường. Trong 26 KCN đang hoạt động có 18 KCN đã lập hồ sơ nghiệm thu hệ thống xử lý nước thải, trong đó 04 KCN đã có giấy xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường. Hầu hết các KCN đều xây dựng hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng biệt, 25/26 KCN có hệ thống xử lý nước thải với tổng công suất thiết kế khoảng 101.600m3/ngày.
Hầu hết các doanh nghiệp trong các KCN đã tiến hành đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước thải của KCN. Có 22/26 KCN đã thực hiện việc đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại cho hoạt động động của chính các KCN; 26/28 KCN đã có hệ thống cấp nước tập trung, tróng đó 18 KCN sử dụng cả hai nguồn nước mặt và nguồn nước dưới đất; 11/26 KCN đã được cấp phép xả nước thải vào nguồn tiếp nhận với tổng lưu lượng nước thải khoảng 27.157m3/ngày.
Đối với các CCN, trong số 8 CCN được phê duyệt, từ khi thành lập cho đến nay, có 03 CCN (Bình Chuẩn, An Thạnh và Tân Đông Hiệp) do không có chủ đầu tư nên các CCN này không có lập hồ sơ về môi trường, các doanh nghiệp trong CCN tự xử lý và thải vào cống chung của CCN và tự ký kết hợp đồng với doanh nghiệp để thu gom xử lý chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sản xuất. Các CCN còn lại (Uyên Hưng, Tân Mỹ, Phú Chánh, Thành phố đẹp, Thanh An) đều có lập hồ sơ về môi trường, trong đó có 02 CCN đã đi vào hoạt động đã xây dựng hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng biệt. Hầu hết các CCN đều sử dụng nước dưới đất làm nguồn cung cấp nước.
Tuy nhiên, công tác quản lý về tài nguyên và môi trường tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Trứoc hết do công tác giải phóng mặt bằng của các chủ đầu tư còn gặp khó khăn; hiệu quả sử dụng đất chưa cao do không có chủ đầu tư; sự phối hợp giữa các sở ngành chức năng chưa chặt chẽ trong công tác quản lý Nhà nước; hệ thống xử lý nước thải tại một số KCN đã bị quá tải và hiệu quả xử lý nước thải chưa ổn định; việc xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải vẫn còn chậm; khung pháp lý về bảo vệ môi trường cho các KCN, CCN còn chưa phát huy hiệu lực. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước mưa của các KCN gặp khó khăn do phải tiếp nhận nước thải sinh hoạt của các khu đô thị và khu dân cư…
Trước thực trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý về tài nguyên và môi trường tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Chính phủ cần xem xét đưa danh mục KCN, CCN vào danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư để các doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu; ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra tình hình sử dụng đất tại các KCN, CCN; hỗ trợ chủ đầu tư trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; cải cách hành chính để giảm thiểu các bước và thời gian thực hiện thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường thông thoáng, ổn định hơn trong quá trình đầu tư…
Cuộc họp cũng đã thống nhất thông qua quy định nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Các nội dung chi gồm: xây dựng đề cương dự án, đề án được duyệt; họp Hội đồng xét duyệt đề cương dự án, đề án; điều tra, khảo sát; báo cáo phân tích, đánh giá theo chuyên đề; hội thảo khoa học; nghiệm thu dự án, đề án.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Lê Thanh Cung đề nghị, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng biểu mẫu đánh giá việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các KCN, CCN, khu đô thị và khu dân cư để đánh giá cụ thể những kết quả đạt được, chưa được để khắc phục. Đối với các CCN chưa hoàn thành cơ sở hạ tầng đề nghị chủ đầu tư xây dựng theo đúng kế hoạch đã phê duyệt, nếu không sẽ ngưng đối với chủ đầu tư không có khả năng; đối với các KCN, CCN đã hoạt động thì giao các huyện, thị quản lý trực tiếp; giao cho Công ty Cấp thoát nước và Môi trường Bình Dương xây dựng kế hoạch đầu tư cung cấp nước đối với các khu dân cư, đô thị để đảm bảo cung cấp nước đầy đủ cho người dân; việc xử lý chất thải rắn có thể mời gọi các công ty hợp tác liên doanh đầu tư đảm bảo khối lượng được giao.
Chủ tịch cũng thống nhất với quy định nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh với hướng là tập trung cho tỉnh để giải quyết những bức xúc về môi trường.
Theo Cổng thông tin điện tử Bình Dương