Theo đó, Thông tư đã hướng dẫn chi tiết mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng, mẫu giấy phép xây dựng cho các trường hợp xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình, trong đó có phân ra các loại giấy phép theo giai đoạn, giấy phép cho dự án, giấy phép xây dựng tạm đối với các loại công trình, bao gồm công trình không theo tuyến, công trình theo tuyến, công trình ngầm; cho nhà ở riêng lẻ tại đô thị và nông thôn.
Thông tư còn hướng dẫn cụ thể về việc xem xét các điều kiện để cấp giấy phép xây dựng đối với công trình và nhà ở riêng lẻ, theo đó khi xem xét công trình, nhà ở có đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật, cơ quan cấp phép phải căn cứ quy mô, tính chất của công trình, địa điểm xây dựng công trình để đối chiếu với các quy định của pháp luật; có công trình yêu cầu phải đáp ứng nhiều điều kiện, nhưng có công trình yêu cầu chỉ cần đáp ứng một số điều kiện. Tuỳ thuộc vào quy mô, tính chất, địa điểm xây dựng của công trình, nhà ở riêng lẻ đó, cơ quan cấp giấy phép xây dựng xem xét nếu công trình liên quan đến các điều kiện nào quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định 64/CP thì gửi hồ sơ lấy ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước về các lĩnh vực đó và trong thời hạn 10 ngày làm việc các cơ quan này phải có ý kiến về các nội dung thuộc chức năng quản lý của mình; nếu công trình không liên quan đến điều kiện nào thì không phải lấy ý kiến của các cơ quan này.
Để xem xét công trình có đáp ứng các điều kiện, Thông tư đã hướng dẫn cụ thể hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với các trường hợp xây dựng mới; xây dựng theo giai đoạn; cấp giấy phép xây dựng cho dự án; cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ; cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa, di dời công trình; giấy phép xây dựng tạm; việc điều chỉnh giấy phép xây dựng. Theo quy định của pháp luật về xây dựng, trước khi khởi công xây dựng thiết kế bản vẽ thi công phải được chủ đầu tư tổ chức thẩm định và phê duyệt; do đó khi nộp hồ sơ xin giấy phép xây dựng tất nhiên các bản vẽ thiết kế đã phải có, vì vậy chủ đầu tư chỉ cần lấy ra một số bản vẽ có liên quan để cơ quan cấp phép xây dựng xem xét công trình có đáp ứng các điều kiện về quy hoạch, kiến trúc, đấu nối hạ tầng, trong đó có bản vẽ kết cấu chịu lực nộp cùng với báo cáo kết quả thẩm định và văn bản phê duyệt thiết kế do tổ chức, cá nhân có năng lực thực hiện để chứng minh là công trình đã được thiết kế, thẩm định, phê duyệt theo quy định đảm bảo an toàn công trình. Tổ chức, cá nhân thiết kế phải chịu trách nhiệm về sản phẩm thiết kế do mình thực hiện.
Đối với nhà ở riêng lẻ có quy mô từ 3 tầng trở lên hoặc tổng diện tích sàn xây dựng từ 250 m2 trở lên chỉ yêu cầu có bản vẽ do tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thiết kế thực hiện, không yêu cầu phải có báo cáo thẩm định, phê duyệt; riêng nhà ở có quy mô dưới 3 tầng, dưới 250 m2 thì hộ gia đình tự tổ chức thiết kế và chịu trách nhiệm về an toàn công trình và công trình lân cận.
Về nguyên tắc, theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và hướng dẫn tại Nghị định 64/CP thì một trong các căn cứ để xem xét cấp giấy phép xây dựng là quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị. Tuy nhiên, đối với các khu vực, tuyến phố trong đô thị đã cơ bản ổn định chức năng sử dụng các lô đất thì không phải lập đồ án quy hoạch đô thị nhưng phải lập đồ án thiết kế đô thị để làm cơ sở xét cấp giấy phép xây dựng đảm bảo công tác xây dựng đô thị theo quy hoạch, kiến trúc đã được phê duyệt, đồng thời nhằm tránh tình trạng thỏa thuận, xin cho tùy tiện cho từng trường hợp khi cấp giấy phép xây dựng.
Thực chất các nội dung này đã được quy định tại Luật Xây dựng (2003), Luật Quy hoạch đô thị (2009), nhưng việc triển khai ở các địa phương còn chậm, nên đến nay quy hoạch chi tiết chưa được phủ kín, hầu hết các đô thị chưa có thiết kế đô thị thậm chí chưa có các Quy định về quản lý quy hoạch, kiến trúc. Do đó, để đảm bảo các điều kiện cấp phép xây dựng, tại Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 7/12/2012 Chính phủ đã cho phép lùi thời điểm thực hiện quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 6 Nghị định số 64/2012/NĐ-CP đến 01/7/2013; đồng thời yêu cầu các địa phương triển khai nhanh việc lập thiết kế đô thị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng. Theo đó, tại Thông tư số 10/2012/TT-BXD, Bộ Xây dựng đã hướng dẫn UBND cấp tỉnh căn cứ tính chất, chức năng và yêu cầu quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị ban hành các quy định cụ thể về các khu vực, tuyến phố trong đô thị phải lập đồ án thiết kế đô thị, đặc biệt là các đường phố có lộ giới từ 12m trở lên. Những khu vực, tuyến phố không thuộc danh mục yêu cầu phải lập đồ án thiết kế đô thị thì UBND cấp tỉnh ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc để làm căn cứ cấp giấy phép xây dựng.
Đối với nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trong trường hợp khu vực xây dựng chưa có quy hoạch điểm dân cư nông thôn được duyệt thì UBND cấp huyện có trách nhiệm quy định các khu vực khi xây dựng phải xin giấy phép xây dựng để làm căn cứ cấp giấy phép xây dựng. Ngoài các khu vực đã có quy hoạch được duyệt và các khu vực yêu cầu phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của UBND cấp huyện, thì khi xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn không phải xin giấy phép xây dựng.
Theo Thông tư này, ngoài các tài liệu quy định đối với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng của mỗi loại công trình, nhà ở riêng lẻ, thì việc bổ sung các tài liệu khác như tùy thuộc địa điểm xây dựng công trình, quy mô và tính chất của công trình, đối chiếu với các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành và các quy định của pháp luật có liên quan, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng còn phải bổ sung các tài liệu khác như: bản vẽ phòng cháy chống cháy (PCCC) được đóng dấu thẩm duyệt chỉ đối với các công trình thuộc danh mục công trình yêu cầu phải thẩm duyệt phương án PCCC theo quy định của pháp luật về PCCC; văn bản phê duyệt biện pháp thi công của chủ đầu tư đảm bảo an toàn cho công trình và công trình lân cận chỉ đối với công trình xây chen có tầng hầm; Bản kê khai năng lực, kinh nghiệm của tổ chức, cá nhân là chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, kèm bản sao có chứng thực chứng chỉ hành nghề của chủ nhiệm, chủ trì thiết kế,...Những công trình không thuộc đối tượng này thì không phải nộp các tài liệu theo quy định tại Điều 10 của Thông tư 10/2012/TT-BXD.
Theo quy định của Nghị định 64/CP và Thông tư này, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành chi tiết quy trình cấp giấy phép xây dựng phù hợp với cơ cấu tổ chức, đặc điểm, tình hình của địa phương. Cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải niêm yết công khai quy trình cấp giấy phép xây dựng tại nơi tiếp nhận hồ sơ cho tổ chức, cá nhân được biết. Việc yêu cầu bổ sung hồ sơ chỉ được thực hiện 1 lần, đảm bảo việc cấp giấy phép xây dựng công khai, minh bạch, nhanh, không có tiêu cực.
Thông tư này cũng quy định cụ thể về thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đối với các loại công trình của UBND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Tùy thuộc vào cơ cấu tổ chức, năng lực quản lý, UBND cấp tỉnh có thể ủy quyền cho Ban quản lý các khu công nghiệp, Ban quản lý các khu đô thị mới cấp giấy phép xây dựng cho các công trình thuộc khu công nghiệp và khu đô thị mới, trừ các công trình nêu tại khoản 1 Điều 13.
Công trình do cơ quan nào cấp phép thì cơ quan đó có quyền điều chỉnh, gia hạn, cấp lại và thu hồi giấy phép do mình cấp. Đối với giấy phép do cấp dưới cấp không đúng quy định, UBND tỉnh có quyền quyết định thu hồi.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/02/2013.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng