Từ ngày 15-1, Nghị định 100/2012/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 127/2008/NĐ-CP ngày 12-12-2008 về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Một số quy định về chính sách thất nghiệp đã được sửa đổi và bổ sung như sau:
Thời gian đăng ký và điều kiện hưởng
Nếu trước đây người lao động (NLĐ) phải đăng ký thất nghiệp trong vòng 7 ngày sau khi mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì theo quy định mới, thời hạn này là 3 tháng. Trong thời gian này, nếu NLĐ chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) thì thực hiện đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động. Sau đó tiến hành thủ tục tiếp theo để được hưởng TCTN.
Để được hưởng BHTN, NLĐ phải có đủ các điều kiện sau: Đã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; đã đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc và chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động.
Cần lưu ý là tháng đóng BHTN của NLĐ được tính nếu người sử dụng lao động và NLĐ đã đóng BHTN, NLĐ đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc ít nhất 1 ngày trong tháng đó. Trong thời gian hưởng BHTN, hằng tháng, người đang hưởng TCTN phải trực tiếp đến thông báo với cơ quan lao động về việc tìm kiếm việc làm; nếu không sẽ bị tạm ngưng hưởng TCTN.
Hồ sơ hưởng BHTN
Để được hưởng BHTN theo quy định, NLĐ cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ: đơn đề nghị hưởng BHTN theo mẫu do Bộ LĐ-TB-XH quy định; bản sao hợp đồng làm việc hết hạn hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc xác nhận của đơn vị cuối cùng trước khi thất nghiệp về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB-XH. NLĐ khi nộp hồ sơ hưởng BHTN phải xuất trình sổ BHXH hoặc bản xác nhận của cơ quan BHXH về việc đóng BHTN.
Trong thời hạn 15 ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày đăng ký thất nghiệp, NLĐ phải trực tiếp nộp hồ sơ hưởng BHTN cho cơ quan lao động nơi đăng ký thất nghiệp hoặc cơ quan lao động nơi chuyển đến để hưởng BHTN. Trong thời hạn 20 ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan lao động có trách nhiệm tiếp nhận, xem xét và giải quyết hưởng các chế độ BHTN cho NLĐ. Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 15 ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày nhận được đề nghị hỗ trợ học nghề của người thất nghiệp, cơ quan lao động có trách nhiệm giải quyết. Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu lý do.
Trong thời hạn 5 ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày nhận được quyết định hưởng TCTN của cơ quan lao động, cơ quan BHXH thực hiện chi trả TCTN hằng tháng hoặc trợ cấp 1 lần cho NLĐ. Trường hợp cơ quan BHXH không thực hiện việc chi trả theo đúng thời hạn quy định hoặc từ chối yêu cầu chi trả các chế độ BHTN không đúng quy định của pháp luật thì cơ quan BHXH phải có văn bản thông báo cho cơ quan lao động và NLĐ biết, phải nêu rõ lý do.
Hỗ trợ học nghề
Việc hỗ trợ học nghề cho NLĐ được hưởng TCTN do cơ quan lao động thực hiện thông qua các cơ sở dạy nghề. Mức hỗ trợ học nghề cho NLĐ đang được hưởng TCTN tùy theo mức chi phí học nghề của từng nghề, được tính theo tháng trên cơ sở mức chi phí đào tạo của từng nghề. Mức hỗ trợ học nghề cụ thể theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian được hỗ trợ học nghề phụ thuộc vào thời gian đào tạo của từng nghề và từng NLĐ nhưng không quá 6 tháng. Thời gian bắt đầu để được hỗ trợ học nghề tính từ ngày NLĐ được hưởng TCTN hằng tháng.
Nguyễn Thành Nhân