Theo số liệu thống kê 3 tháng đầu năm 2013 (từ ngày 01/01 đến 11/3/2013)
trong các khu công nghiệp chỉ xảy ra 01 vụ cháy, thiệt hại về tài sản
là 120.000.000 đồng, không thiệt hại về người. So với 3 tháng cùng kỳ
năm 2012 số vụ cháy giảm 05 vụ bằng 500 %, thiệt hại tài sản giảm
8.620.000.000 đồng bằng 718,3%.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được thì vẫn còn tồn tại, thiếu sót về lĩnh vực PCCC tập trung chủ yếu ở một số nội dung sau: người đứng đầu cơ sở chưa thực sự quan tâm đầu tư cho công tác phòng cháy chữa cháy; chưa nâng cao vai trò trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định, biện pháp, giải pháp an toàn về phòng cháy chữa cháy. Mặt khác, tình hình thời tiết khí hậu ngày càng có những diễn biến phức tạp, hiện tượng khô hanh, nắng nóng kéo dài, mưa ít làm tăng nguy cơ tiềm ẩn gây cháy, nổ.
Để triển khai, thực hiện có hiệu quả Luật Phòng cháy và chữa cháy, Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 11/01/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương về việc tăng cường công tác Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2013, nhằm chủ động phòng ngừa hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra tại các cơ sở trong các khu công nghiệp, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương yêu cầu:
1. Chủ đầu tư các khu công nghiệp:
- Lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống cấp nước chữa cháy cho khu công nghiệp còn thiếu theo quy định tại TCVN 2622 - 1995 “Phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình - Yêu cầu thiết kế”, cụ thể: Khu công nghiệp Sóng Thần 1, KCN Sóng Thần 3, KCN Việt Hương…. Thường xuyên kiểm tra, khảo sát tình trạng hoạt động, khoảng cách giữa các trụ nước chữa cháy trong các khu công nghiệp, đồng thời có kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị này đảm bảo nguồn nước phục vụ cho công tác chữa cháy.
- Có kế hoạch trang bị xe chữa cháy cho khu công nghiệp theo quy định tại TCVN 3890 - 2009 “Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình - Trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng”, thành lập và củng cố đội PCCC chuyên trách trong khu công nghiệp, tổ chức đào tạo, huấn luyện đảm bảo hoạt động hiệu quả cao.
- Các công trình xây dựng cho thuê phải được trang bị đầy đủ hệ thống, phương tiện phòng cháy chữa cháy. Thực hiện đúng quy định thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC.
- Phối hợp với cơ quan Cảnh sát PCCC và Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương trong công tác thanh tra, kiểm tra an toàn về PCCC và thực tập phương án chữa cháy.
- Tham gia, phối hợp, hỗ trợ công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong, ngoài khu công nghiệp và các hoạt động khác khi có yêu cầu.
2. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp:
- Tăng cường công tác tuyên truyền PCCC, hướng dẫn các biện pháp PCCC cho cán bộ, công nhân viên, người lao động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với công tác PCCC. Tích cực hưởng ứng và đẩy mạnh các hoạt động về PCCC vào dịp Tuần lễ Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ và “Ngày toàn dân PCCC 4/10”.
- Rà soát đánh giá tình hình hoạt động về công tác PCCC tại doanh nghiệp, duy trì bộ phận thường trực bảo vệ, tăng cường chế độ tuần tra canh gác, nhất là vào ban đêm, ngoài giờ làm việc, đặc biệt là ngày lễ, ngày tết, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các đám cháy ngay từ khi mới phát sinh. Tiến hành củng cố, kiện toàn lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở đủ về số lượng và được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC. Xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án thoát nạn định kỳ nhằm chủ động chữa cháy khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
- Tăng cường công tác tự kiểm tra an toàn PCCC tại doanh nghiệp, chú ý kiểm tra: đường giao thông cho xe chữa cháy, nguồn nước chữa cháy, khoảng cách an toàn PCCC giữa các ngôi nhà, hệ thống cấp nước chữa cháy vách tường, hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động, những nguy cơ và điều kiện có thể gây cháy, kịp thời khắc phục tồn tại, thiếu sót về PCCC, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định PCCC.
- Nghiêm cấm xây dựng thêm các công trình phụ trợ làm nơi sản xuất, kho chứa, nơi để xe công nhân trên đường giao thông nội bộ, trong khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy.
- Hệ thống điện, hệ thống chống sét, nơi sử dụng nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt phải đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, không câu mắc các thiết bị tiêu thụ điện ngoài thiết kế; hàng năm phải có kế hoạch kiểm tra, bảo dưỡng toàn bộ hệ thống điện, hệ thống chống sét.
- Trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, hệ thống cấp nước chữa cháy vách tường, bình chữa cháy, bể nước chữa cháy, các phương tiện cứu nạn, cứu hộ, chỉ dẫn thoát nạn theo TCVN 3890 - 2009 “Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình - Trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng”, đảm bảo về số lượng và duy trì chế độ thường trực đáp ứng tốt khả năng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
- Bảo đảm kinh phí cho hoạt động PCCC; tổ chức thống kê, báo cáo định kỳ về tình hình phòng cháy, chữa cháy cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy trực tiếp quản lý những thay đổi liên quan đến công tác PCCC của doanh nghiệp mình.
- Tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08/11/2006 của Chính phủ quy định về chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và Thông tư số 220/2010/TT-BTC ngày 30/12/2010 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
- Tổ chức, tham gia các hoạt động PCCC khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Yêu cầu người đứng đầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo trên. Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện gửi về Ban Quản lý các KCN Bình Dương và Sở Cảnh sát PCCC Bình Dương trước ngày 20/12/2013./.