Đến dự hội thảo có ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh,
ông Trần Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Peter Portheine -
Ủy viên Hội đồng tỉnh North Brabant, Giám đốc phát triển Tập đoàn Brainport Hà
Lan cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành
và các nhà khoa học đến từ trong và ngoài nước.
Tại hội thảo đã có nhiều ý kiến của các nhà khoa học đến từ trong và
ngoài nước trình bày về dữ liệu mở trong phát triển thành phố thông minh như: Xu
hướng quản lý giao thông thông minh trong thời kỳ cách mạng 4.0 – kinh nghiệm của
Singapore; vai trò của dữ liệu trong việc xây dựng thành phố thông minh và
thách thức; nền tảng thể chế trong quản lý phát triển tích hợp hướng tới thành
phố thông minh; chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng khoa học dữ liệu trong phát triển
thành phố thông minh tại Ireland; công dân thông minh trong thành phố thông
minh, những thách thức và giải pháp đề xuất; dữ liệu mở - trọng tâm phát triển
thành phố thông minh…Theo các chuyên gia, đặc trưng về thành phố thông minh phải
đảm bảo các yêu cầu như đời sống thông minh, giao thông thông minh, xã hội
thông minh, kinh tế thông minh, chính quyền thông minh và môi trường thông
minh. Vì vậy để xây dựng thành phố thông minh cần xây dựng cơ sở hạ tầng thông
minh trên các lĩnh vực:Giao thông, năng lượng, xây dựng, an ninh, môi trường,
công nghệ thông tin và kinh tế, với những đột phá về cách mạng số hóa. Bên cạnh
đó liên kết các dữ liệu ở từng lĩnh vực nhằm đáp ứng được phát triển kinh tế số
và nâng cao chất lượng cuộc sống, nhờ các nguồn lực xã hội và nền tảng công nghệ
thông tin truyền thông.
TS.Cathal Gurrin – Đại học thành phố Dublin, Ireland tham luận tại hội thảo
Từ kinh nghiệm xây dựng của các thành phố thông minh trên thế giới, các
nhà khoa học đề xuất những ý tưởng để xây dựng thành phố thông minh Bình Dương
trong thời gian tới. Cụ thể, Bình Dương cần tập trung xây dựng dữ liệu mở trong
các lĩnh vực trọng điểm như:Dữ liệu doanh nghiệp, dữ liệu các ngành dịch vụ
cung cấp cho sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó là dữ liệu về giao thông trên nền
GPS giúp quản lý cơ sở hạ tầng giao thông, điều phối giao thông, phát triển
kinh tế gắn với giao thông thông minh và cải thiện giám sát các thiết bị hành trình,
xây dựng hồ sơ vi phạm giao thông, quản lý hoạt động vận tải của các doanh nghiệp.
Đối với dữ liệu mở y tế sẽ xây dựng thông tin về hệ thống các bệnh viện, y bạ
điện tử cho từng công dân, xây dựng bệnh án điện tử và kết nối dữ liệu giữa bệnh
viện với bệnh nhân để chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
Các chuyên gia cho rằng, để xây dựng dữ liệu mở trong phát triển thành
phố thông minh là điều không dễ dàng, đòi hỏi nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ
thống chính trị và từng người dân. Trong đó, bước đầu Bình Dương cần chú trọng
đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở dữ liệu của các
ngành, đồng thời gắn với việc liên kết mở các dữ liệu để xây dựng thành phố
thông minh.
Nguồn: www.binhduong.gov.vn