Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1271/QĐ-TTg về tổ chức Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 nhằm đánh giá sự phát triển về số lượng cơ sở, lao động của các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp; kết quả sản xuất kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu và sự phân bố của các cơ sở, của lao động theo địa phương, ngành kinh tế, hình thức sở hữu… đáp ứng yêu cầu quản lý của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, mục tiêu của cuộc Tổng điều tra còn tổng hợp các chỉ tiêu thống kê chính thức năm 2011 của các chuyên ngành có liên quan đến doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể (số lượng, số lao động, vốn, tài sản, kết quả sản xuất kinh doanh, tình hình thực hiện đầu tư…). Bổ sung số liệu cho các cuộc điều tra thống kê chọn mẫu hàng năm, tính toán chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) và các chỉ tiêu khác thuộc hệ thống chỉ tiêu quốc gia. Cập nhật cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, dàn mẫu tổng thể về cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong thời kỳ 2013 - 2017 của ngành thống kê, các Bộ, ngành và địa phương...
Phạm vi và đối tượng điều tra là các cơ sở sản xuất kinh doanh,các cơ quan nhà nước, Đảng, đoàn thể, hiệp hội, đơn vị sự nghiệp, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, loại trừ ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đã được điều tra trong Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011. Ngoài ra còn các cơ sở thuộc đoàn ngoại giao, Đại sứ quán, Lãnh sự quán nước ngoài, các tổ chức quốc tế đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Nội dung Tổng điều tra gồm
Thông tin chung về cơ sở (tên cơ sở, địa chỉ, điện thoại, số fax, email, loại hình sở hữu, loại hình tổ chức, ngành hoạt động chính ... ); Thông tin về lao động và thu nhập của người lao động (người quản lý, số lượng lao động, thu nhập, giới tính, trình độ chuyên môn đào tạo...);
Thông tin về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh: Doanh thu, chi phí, lãi, lỗ, nộp ngân sách ... ; Thông tin về tài sản: Tài sản lưu động, tài sản cố định (máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, nhà xưởng kho tàng và tài sản cố định khác);
Thông tin về vốn đầu tư thực hiện phân theo nguồn hình thành vốn và phân theo khoản mục đầu tư; thực trạng, khó khăn của doanh nghiệp trong sản xuất dinh doanh;
Thông tin về trang thiết bị và ứng dụng công nghệ thông tin như: Sử dụng máy tính, kết nối và sử dụng internet, website, giao dịch thương mại điện tử ...
Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm nay nhấn mạnh vào mục tiêu GDP, các chỉ tiêu hệ thống tài khoản quốc gia năm 2011 của các ngành kinh tế toàn quốc và từng địa phương; bổ sung các chỉ tiêu đánh giá về thực trạng và khó khăn của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Những công việc trọng tâm được xác định trong quá trình Tổng điều tra là lập danh sách các đơn vị điều tra; tuyển nhân viên điều tra; tập huấn, tuyên truyền, triển khai thu thập số liệu, xử lý, tổng hợp, phân tích và công bố kết quả Tổng điều tra. Dự kiến kết quả sơ bộ Tổng điều tra sẽ được công bố vào tháng 12/2012.
Để cuộc Tổng điều tra cơ sở kinh tế - hành chính sự nghiệp năm 2012 theo Quyết định số 1271/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bình Dương đạt kết quả cao, bảo đảm chất lượng, ngày 28/03/2012 UBND tỉnh đã ban hành Tải về Chỉ thị số 08/CT-UBND về việc tổ chức Tổng điều tra cơ sở kinh tế - hành chính sự nghiệp năm 2012.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị lãnh đạo các sở, ngành tham gia trong Ban Chỉ đạo có trách nhiệm phối hợp tổ chức chỉ đạo thực hiện, đồng thời theo chức năng, nhiệm vụ của mình có kế hoạch chỉ đạo các đơn vị trong ngành ở các cấp tham gia phục vụ Tổng điều tra.
Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn lập kế hoạch triển khai, bảo đảm các công việc của mỗi bước điều tra đúng quy trình, đúng phương pháp và kế hoạch. Theo dõi, kiểm tra nghiêm các lớp tập huấn nghiệp vụ cho tổ trưởng và điều tra viên.
Các cơ quan báo chí, các đài cơ sở và các phương tiện truyền thông đại chúng tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các hộ và các đơn vị thuộc đối tượng điều tra về chủ trương và kế hoạch Tổng diều tra giúp các đơn vị nhận thức đầy đủ mục đích, yêu cầu của cuộc Tổng điều tra, đáp ứng đầy đủ các nội dung phỏng vấn, ghi phiếu của điều tra viên theo đúng biểu mẫu do Trung ương quy định.
Do đây là cuộc Tổng điều tra trên phạm vi cả nước và là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của tất cả các cấp, các ngành, do đó trong quá trình thực hiện cần phải được chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ, đúng kế hoạch và Ban Chỉ đạo các cấp phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, nắm tình hình thực hiện để kịp thời báo cáo kết quả về UBND tỉnh./.
|
|