Xét
đề nghị của Bộ Tài chính (các văn bản số 301/TTr-BTC ngày 22 tháng 5
năm 2014 và số 308/BTC-VP ngày 23 tháng 5 năm 2014) về việc bổ sung giải
pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, tổn thất do hành vi vi
phạm pháp luật gây ra tại một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ có ý
kiến như sau:
1.
Giao Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Hải quan thực hiện miễn thuế nhập
khẩu, không thu thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu của doanh nghiệp để
phục vụ cho việc sửa chữa, thay thế máy móc, thiết bị, linh kiện bị hư
hại, tổn thất.
2. Về hỗ trợ người lao động:
a)
Đối với người lao động không làm việc trong những ngày từ 12 tháng 5
đến khi trở lại làm việc (trước ngày 25 tháng 5 năm 2014) do doanh
nghiệp phải ngừng sản xuất kinh doanh nhưng đã sản xuất kinh doanh trở
lại, doanh nghiệp chi trả tiền lương, tiền công cho người lao động và
hạch toán khoản tiền lương, tiền công này vào chi phí được trừ khi xác
định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
b)
Đối với doanh nghiệp bị thiệt hại phải ngừng sản xuất có khả năng phục
hồi sản xuất kinh doanh trong tháng 6 năm 2014 nhưng do chủ doanh nghiệp
chưa quay trở lại để thanh toán tiền lương, tiền công tháng 4 năm 2014
và những ngày đầu tháng 5 năm 2014 cho người lao động, giao Ủy ban nhân
dân tỉnh tạm ứng ngân sách địa phương để xử lý khoản tiền lương, tiền
công còn nợ này. Khi chủ doanh nghiệp trở lại, hướng dẫn doanh nghiệp
hoàn trả ngân sách địa phương và hạch toán khoản chi này vào chi phí
được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
c)
Đối với doanh nghiệp bị thiệt hại phải ngừng sản xuất và không có khả
năng phục hồi sản xuất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014, giao Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã
hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp, đề xuất biện pháp xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10 tháng 6 năm 2014.
3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh:
a) Thực hiện giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp bị thiệt hại, số tiền được giảm tiền thuê đất phù hợp với mức độ thiệt hại.
b)
Đối với doanh nghiệp bị thiệt hại phải ngừng sản xuất kinh doanh để đầu
tư khôi phục lại sản xuất kinh doanh, bao gồm cả trường hợp phải thuê
đất, thuê cơ sở vật chất ở địa điểm mới để khôi phục sản xuất, thực hiện hỗ trợ bằng
việc ngân sách thoái (hoàn lại) tiền thuê đất đã nộp trước khi ngừng
sản xuất kinh doanh và được miễn tiền thuê đất từ năm 2014 (tổng số
hoàn, miễn và giải pháp khác không quá số tiền thiệt hại).
c)
Đối với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng bị thiệt hại, thực hiện miễn,
giảm tiền thuê đất theo Thông báo 207/TB-VPCP ngày 20 tháng 5 năm 2014
của Văn phòng Chính phủ.
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các công ty kinh doanh hạ tầng miễn, giảm phí sử dụng hạ
tầng cho doanh nghiệp bị thiệt hại, chi phí này doanh nghiệp được trừ
vào tiền thuê đất và không bị loại trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
thu nhập doanh nghiệp.
4.
Các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, điều chỉnh để chưa thực hiện kiểm
tra, thanh tra đối với những doanh nghiệp bị thiệt hại để doanh nghiệp
tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh, trừ trường hợp có nghi vấn hoặc
có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
5. Đối
với những doanh nghiệp bị thiệt hại nặng, bị cháy phải ngừng sản xuất và
gặp khó khăn trong đầu tư để phục hồi sản xuất kinh doanh, yêu cầu Bộ
Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban nhân
dân tỉnh làm việc với doanh nghiệp đánh giá thiệt hại; xác định khả
năng và những khó khăn khi phục hồi sản xuất kinh doanh; nghiên cứu đề
xuất các giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định trước ngày 15
tháng 6 năm 2014.
6. Ủy ban nhân
dân các tỉnh: Đồng Nai và Bình Dương thành lập Tổ công tác để tập trung
chỉ đạo, triển khai thực hiện ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị
thiệt hại trên địa bàn, nhất là những doanh nghiệp phải ngừng sản xuất
kinh doanh; kịp thời xử lý, kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn
phát sinh.