Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; đo lường; chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tổ chức, cá nhân phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ, vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng có thời hạn; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Ngoài các hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.
Nghị định quy định cụ thể về mức phạt tiền tối đa như sau: Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với cá nhân là 150 triệu đồng, đối với tổ chức là 300 triệu đồng.
Đối với vi phạm hành chính về đo lường:
Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán chất chuẩn, chất đo lường không có nhãn hoặc có nhãn ghi không đúng quy định hoặc không ghi, khắc đơn vị đo theo đơn vị đo pháp định; Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán chất chuẩn, chuẩn đo lường không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường đã được tổ chức, cá nhân công bố hoặc cơ quan quản lý về đo lường có thẩm quyền quy định áp dụng
Phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Buôn bán phương tiện đo không có nhãn hoặc có nhãn ghi không đúng nội dung quy định; Buôn bán phương tiện đo nhóm 1 không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường đã được tổ chức, cá nhân công bố; buôn bán phương tiện đo nhóm 2 không ghi, khắc đơn vị đo theo đơn vị đo pháp định.
Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Buôn bán hàng đóng gói sẵn không ghi lượng trên nhãn hàng hóa hoặc ghi không đúng quy định; ghi, khắc đơn vị đo không đúng đơn vị đo lường pháp định; Buôn bán hàng đóng gói sẵn có lượng không phù hợp với thông tin ghi trên nhãn hàng hóa, tài liệu đi kèm, hoặc không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường do tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu công bố; Buôn bán hàng đóng gói sẵn nhóm 2 không thể hiện dấu định lượng trên nhãn theo quy định….
Đối với vi phạm hành chính về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; chất lượng sản phẩm, hàng hóa:
Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với hành vi không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định trong sản xuất hoặc nhập khẩu.
Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Sản xuất nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng; Nội dung của tiêu chuẩn công bố áp dụng không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa vi phạm về công bố hợp chuẩn: Không thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục công bố hợp chuẩn; Không lưu giữ hồ sơ công bố hợp chuẩn đúng quy định; Sử dụng dấu hợp chuẩn không đúng quy định; Thực hiện công bố hợp chuẩn mà không đăng ký hồ sơ công bố hợp chuẩn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi tổ chức, cá nhân đó đăng ký kinh doanh; Không thực hiện lại việc công bố hợp chuẩn khi có bất cứ sự thay đổi nào về nội dung hồ sơ công bố hợp chuẩn đã đăng ký hoặc có bất kỳ sự thay đổi nào về tính năng, công dụng, đặc điểm của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã công bố hợp chuẩn,
Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi giả mạo dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy hoặc chứng nhận hợp chuẩn hoặc chứng nhận hợp quy, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy để ghi, gắn lên sản phẩm, hàng hóa hoặc các tài liệu kèm theo; Giả mạo kết quả thử nghiệm hoặc kết quả kiểm tra hoặc kết quả giám định hoặc kết quả giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa....
Nghị định số 80/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2013.