Tin Tức
Thứ 4, Ngày 30/10/2024, 12:00
Tìm hiểu về Quyền tiếp cận thông tin năm 2016.
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
30/10/2024
(BDIZA) – Quyền tiếp cận thông tin của công dân là một quyền hợp pháp được quy định cụ thể tại Hiến pháp 2013. Luật tiếp cận thông tin 2016 đã quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ tiếp cận thông tin của công dân, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Cung cấp thông tin bao gồm việc cơ quan nhà nước công khai thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân.

Nội dung cụ thể như sau:

Vậy cơ quan Nhà nước có trách nhiệm phải công khai thông tin gì? Công dân được quyền yêu cầu tiếp cận những thông tin gì, trong trường hợp nào?

I. THÔNG TIN PHẢI ĐƯỢC CÔNG KHAI

Theo quy định tại Điều 17 Luật tiếp cận thông tin 2016, cơ quan Nhà nước có trách nhiệm phải công khai những thông tin sau:

1. Các thông tin phải được công khai rộng rãi:

a) Văn bản quy phạm pháp luật; văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung; điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là một bên; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước;

b) Thông tin phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước;

c) Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung và kết quả trưng cầu ý dân, tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan nhà nước mà đưa ra lấy ý kiến Nhân dân theo quy định của pháp luật; đề án và dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính;

d) Chiến lược, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương; quy hoạch ngành, lĩnh vực và phương thức, kết quả thực hiện; chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của cơ quan nhà nước;

đ) Thông tin về dự toán ngân sách nhà nước; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước; dự toán, tình hình thực hiện, quyết toán ngân sách đối với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước; thủ tục ngân sách nhà nước;

e) Thông tin về phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn viện trợ phi chính phủ theo quy định; thông tin về quản lý, sử dụng các khoản cứu trợ, trợ cấp xã hội; quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân, các loại quỹ;

g) Thông tin về danh mục dự án, chương trình đầu tư công, mua sắm công và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công; thông tin về đấu thầu; thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn;

h) Thông tin về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; báo cáo đánh giá kết quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp; báo cáo giám sát tình hình thực hiện công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đại diện chủ sở hữu; thông tin về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước;

i) Thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có tác động tiêu cực đến sức khỏe, môi trường; kết luận kiểm tra, thanh tra, giám sát liên quan đến việc bảo vệ môi trường, sức khỏe của cộng đồng, an toàn thực phẩm, an toàn lao động;

k) Thông tin về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan và của đơn vị trực thuộc; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết các công việc của Nhân dân; nội quy, quy chế do cơ quan nhà nước ban hành;

l) Báo cáo công tác định kỳ; báo cáo tài chính năm; thông tin thống kê về ngành, lĩnh vực quản lý; cơ sở dữ liệu quốc gia ngành, lĩnh vực; thông tin về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; thông tin về danh mục và kết quả chương trình, đề tài khoa học;

m) Danh mục thông tin phải công khai theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 34 của Luật này; tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử của cơ quan nhà nước hoặc người làm đầu mối tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin;

n) Thông tin liên quan đến lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng;

o) Thông tin về thuế, phí, lệ phí;

p) Thông tin khác phải được công khai theo quy định của pháp luật.

2. Ngoài thông tin quy định tại khoản 1 Điều này, căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước chủ động công khai thông tin khác do mình tạo ra hoặc nắm giữ.

II. THÔNG TIN CUNG CẤP THEO YÊU CẦU CỦA CÔNG DÂN

Công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước, trừ thông tin không được tiếp cận quy định tại Điều 6 và thông tin được tiếp cận có điều kiện đối với thông tin quy định tại Điều 7 của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Cơ quan nhà nước không chỉ có trách nhiệm công khai thông tin mà còn phải có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân.

 Thông tin được cung cấp theo yêu cầu trong những trường hợp sau đây:

1. Những thông tin phải được công khai theo quy định tại Điều 17 của Luật tiếp cận thông tin 2016, nhưng thuộc trường hợp sau đây:

- Thông tin trong thời hạn công khai nhưng chưa được công khai;

- Thông tin hết thời hạn công khai theo quy định của pháp luật;

- Thông tin đang được công khai nhưng vì lý do bất khả kháng người yêu cầu không thể tiếp cận được.

2. Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình đủ điều kiện cung cấp theo quy định tại Điều 7 của Luật của Luật tiếp cận thông tin 2016.

3. Thông tin liên quan đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người yêu cầu cung cấp thông tin nhưng không thuộc loại thông tin quy định tại Điều 17 và Khoản 2 Điều 23 của Luật tiếp cận thông tin 2016.

4. Ngoài thông tin quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 23 của Luật tiếp cận thông tin 2016, căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn, điều kiện và khả năng thực tế của mình, cơ quan nhà nước có thể cung cấp thông tin khác do mình tạo ra hoặc nắm giữ.

Như vậy, đối với những thông tin đã được cơ quan Nhà nước công khai theo đúng quy định của pháp luật, nếu hết thời hạn công khai thì người dân vẫn có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước cung cấp thông tin, tuy nhiên chỉ được yêu cầu cung cấp thông tin đối với những thông tin được quy định tại Điều 17 Luật tiếp cận thông tin 2016 và việc yêu cầu phải đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

III. HÌNH THỨC, TRÌNH TỰ THỦ TỤC YÊU CẦU CUNG CẤP THÔNG TIN

1. Hình thức yêu cầu cung cấp thông tin của công dân đến cơ quan nhà nước được quy định tại Khoản 1 Điều 24 Luật tiếp cận thông tin năm 2016, người yêu cầu có thể yêu cầu cung cấp thông tin bằng các hình thức sau đây:

- Cá nhân, cơ quan có yêu cầu cung cấp thông tin bằng cách trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác đến trụ sở của cơ quan nhà nước yêu cầu cung cấp thông tin cần thiết đó.

+ Người tiếp nhận yêu cầu cung cấp có trách nhiệm hướng dẫn người yêu cầu điền các nội dung theo quy định vào Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin.

+ Trường hợp người yêu cầu cung cấp thông tin không biết chữ hoặc bị khuyết tật không thể viết yêu cầu thì người tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin có trách nhiệm giúp điền các nội dung vào Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin;

- Cá nhân, cơ quan có yêu cầu cung cấp thông tin có thể thực hiện qua giao dịch đó là gửi Phiếu yêu cầu qua mạng điện tử, dịch vụ bưu chính, fax đến cơ quan cung cấp thông tin.

Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin phải được thể hiện bằng tiếng Việt gồm các nội dung chính sau đây: Họ, tên; nơi cư trú, địa chỉ; số chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc số hộ chiếu của người yêu cầu; số fax, điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có); Thông tin được yêu cầu cung cấp, trong đó chỉ rõ tên văn bản, hồ sơ, tài liệu; Hình thức cung cấp thông tin; Lý do, mục đích yêu cầu cung cấp thông tin.

Địa điểm để tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin được quy định bao gồm: Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân, nơi tiếp công dân của các cơ quan, đơn vị là nơi tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin của công dân đối với cơ quan, đơn vị mình.

2. Trình tự, thủ tục cung cấp thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin được quy định trong Luật tiếp cận thông tin năm 2016 như sau:

- Đối với thông tin đơn giản, có sẵn có thể cung cấp ngay thì người yêu cầu cung cấp thông tin được trực tiếp đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu hoặc yêu cầu cung cấp ngay bản sao, bản chụp tài liệu.

- Đối với thông tin phức tạp, không có sẵn mà cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó hoặc thông tin cần thiết phải có ý kiến của cơ quan, tổ chức, đơn vị khác thì chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ, cơ quan được yêu cầu phải thông báo cho người yêu cầu đến trụ sở để đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu hoặc nhận bản sao, bản chụp tài liệu hoặc có văn bản thông báo về việc từ chối cung cấp thông tin.

Trường hợp cơ quan được yêu cầu cần thêm thời gian để xem xét, tìm kiếm, tập hợp, sao chép, giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin thì có thể gia hạn nhưng tối đa không quá 10 ngày làm việc và phải có văn bản thông báo về việc gia hạn trong thời hạn cung cấp thông tin.

Trình tự, thủ tục cung cấp thông tin bằng phương thức qua mạng điện tử được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:

-Thông tin được yêu cầu phải là thông tin thuộc tập tin có sẵn và có thể truyền tải qua mạng điện tử.

- Cơ quan nhà nước có đủ điều kiện về kỹ thuật để cung cấp thông tin được yêu cầu qua mạng điện tử.

- Việc cung cấp thông tin qua mạng điện tử được thực hiện bằng các cách thức sau đây:

+ Gửi tập tin đính kèm thư điện tử;

+ Cung cấp mã truy cập một lần;

+ Chỉ dẫn địa chỉ truy cập để tải thông tin.

4. Thời hạn để cung cấp thông tin :

+ Đối với thông tin đơn giản, có sẵn có thể cung cấp ngay thì chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ, cơ quan được yêu cầu phải cung cấp thông tin.

+ Đối với thông tin phức tạp, không có sẵn mà cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó hoặc thông tin cần thiết phải có ý kiến của cơ quan, tổ chức, đơn vị khác thì chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ, cơ quan được yêu cầu phải thông báo bằng văn bản về thời hạn giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin.

Thực hiện Luật tiếp cận thông tin năm 2016, ngày 20/10/2022, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương đã ban hành Quyết định 194a/QĐ-BQL về công khai danh mục thông tin phải công khai theo quy định của Luật tiếp cận thông tin, trong đó quy định cụ thể trường hợp tổ chức công dân đề nghị cung cấp thông tin theo yêu cầu, trình tự thực hiện. Đồng thời giao Văn phòng Ban Quản lý làm đầu mối cung cấp thông tin theo yêu cầu và cung cấp thông tin có điều kiện cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu; theo dõi, đôn đốc các phòng, thực hiện việc cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật.


Phan Thị Thanh Thủy

Lượt người xem:  Views:   176
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
 
 
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Tác giả

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Từ khóa

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Email

FriendlyName

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Ảnh
Video
Audio
Tin Tức