Nghị định gồm 04 Chương, 33 Điều. Một số nội dung lưu ý:
Phạm vi điều chỉnh:
Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành khoản 2 Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, khoản 1, 2 Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13 và Điều 14 của Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19 tháng 02 năm 2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 193/2025/QH15).
Đối tượng áp dụng:
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Đối với việc quản lý nhân sự làm khoa học: Viên chức, viên chức quản lý tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập thành lập
1. Trường hợp có nhu cầu tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập thành lập hoặc tham gia thành lập, viên chức, viên chức quản lý phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức, cơ sở quản lý viên chức.
2. Người đứng đầu tổ chức, cơ sở quản lý viên chức quyết định cử viên chức, viên chức quản lý tham gia điều hành, quản lý hoặc làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức, cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập. Quyết định cử viên chức phải quy định rõ:
a) Thời gian, hình thức (kiêm nhiệm, biệt phái, điều động, đại diện phần vốn góp);
b) Đơn vị chi trả lương, thưởng, phụ cấp;
c) Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của viên chức đối với tổ chức, cơ sở cử viên chức và đối với doanh nghiệp mà viên chức, viên chức quản lý tham gia quản lý, điều hành, làm việc.
3. Quyền, nghĩa vụ của viên chức, viên chức quản lý khi tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp bao gồm:
a) Được trả lương, thưởng và các phụ cấp bảo đảm không thấp hơn mức hiện hưởng của viên chức, viên chức quản lý;
b) Được tổ chức, cơ sở cử tham gia quản lý, điều hành, làm việc và doanh nghiệp nơi viên chức làm việc bảo đảm đầy đủ quyền lợi của viên chức, bao gồm đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, nâng lương, đánh giá xếp loại, khen thưởng, kỷ luật;
c) Được bố trí công việc phù hợp khi hết thời hạn cử làm quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp. Chế độ, chính sách không thấp hơn thời điểm viên chức, viên chức quản lý được cử tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp;
d) Thực hiện đầy đủ nội quy, quy chế của doanh nghiệp nơi làm việc;
đ) Viên chức tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ của viên chức theo quy định của pháp luật về viên chức, pháp luật doanh nghiệp trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm được giao.
Đối với quản lý tài chính, kinh phí, lập dự toán:
Việc hoàn trả kinh phí trong trường hợp nhiệm vụ khoa học và công nghệ không đạt được kết quả cuối cùng như dự kiến:
Trong trường hợp đã thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ, quy trình và nội dung nghiên cứu đã được thuyết minh nhưng không đạt được kết quả cuối cùng như dự kiến, tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không phải hoàn trả lại ngân sách nhà nước số kinh phí đã sử dụng đúng mục tiêu, phạm vi, nội dung nghiên cứu được nêu tại Thuyết minh nhiệm vụ, trừ các khoản kinh phí sau:
1. Kinh phí đã cấp cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại tài khoản tiền gửi ở Kho bạc Nhà nước của tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ mà chưa sử dụng sau khi trừ đi số nợ phải trả của tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Số nợ phải trả của tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ là số tiền tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ phải thanh toán cho hàng hoá, dịch vụ, công lao động đã thực hiện mà chưa được thanh toán.
2. Kinh phí tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã tạm ứng cho các tổ chức, cá nhân có liên quan để triển khai thực hiện nội dung nghiên cứu hoặc cung ứng hàng hóa, dịch vụ nhưng chưa thực hiện. Kinh phí này được xác định tương ứng với phần công việc, hàng hóa, dịch vụ chưa thực hiện.
3. Kinh phí đã sử dụng không đúng mục tiêu, phạm vi, nội dung nghiên cứu được nêu tại Thuyết minh nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Lập dự toán, phân bổ, quản lý, sử dụng và quyết toán chi sự nghiệp khoa học và công nghệ:
1. Việc lập dự toán:
a) Căn cứ hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ về kế hoạch khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng năm, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (sau đây gọi là bộ, cơ quan Trung ương) và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây gọi là địa phương) xây dựng dự toán kinh phí chi sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm gửi cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ) để rà soát, tổng hợp, trong đó:
Dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ dự kiến triển khai trong năm kế hoạch thực hiện thông qua cơ chế quỹ được lập theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 193/2025/QH15;
Dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ dự kiến triển khai trong năm kế hoạch không thực hiện thông qua cơ chế quỹ và các nhiệm vụ chi khác sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ được lập theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về khoa học và công nghệ;
b) Trên cơ sở đề xuất dự toán kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ) có trách nhiệm tổng hợp, xây dựng phương án phân bổ ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học và công nghệ gửi cơ quan tài chính cùng cấp (Bộ Tài chính, Sở Tài chính);
c) Cơ quan tài chính (Bộ Tài chính, Sở Tài chính) có trách nhiệm tổng hợp đề xuất của cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ) để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước hàng năm.
2. Việc phân bổ dự toán:
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao dự toán ngân sách, đơn vị dự toán cấp I ở trung ương và địa phương thực hiện phân bổ, giao dự toán ngân sách chi sự nghiệp khoa học và công nghệ (bao gồm chi cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số) cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc và đơn vị thuộc ngân sách cấp dưới như sau:
a) Kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ: ưu tiên phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ dự kiến thực hiện trong năm ngân sách thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ, trong đó:
Kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia được cấp về quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia;
Kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, địa phương được cấp về quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp hàng năm để triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ được cấp bằng lệnh chi tiền vào tài khoản tiền gửi của quỹ tại Kho bạc Nhà nước;
b) Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ không thuộc phạm vi cấp kinh phí vào các quỹ phát triển khoa học và công nghệ quy định tại điểm a khoản này và các nhiệm vụ chi khác sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ: đơn vị dự toán cấp I thực hiện phân bổ về đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
3. Việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học và công nghệ:
a) Đối với kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cấp thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ, tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này;
b) Đối với kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ không thuộc quy định tại điểm a khoản này, tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này và thực hiện thanh toán, chi trả qua Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước hiện hành;
c) Đối với kinh phí sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ không thuộc điểm a và điểm b khoản này, cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí trong năm ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về khoa học và công nghệ.
4. Việc quyết toán, xét duyệt quyết toán, thẩm tra và tổng hợp quyết toán và các nội dung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Đối với hoạt động thương mại hóa các sản phẩm khoa học: Thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tổ chức chủ trì là cơ quan, tổ chức, đơn vị
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản chủ động công bố thông tin và có biện pháp thúc đẩy việc đưa tài sản là kết quả của việc triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ vào sử dụng, phát huy và thương mại hóa theo các hình thức quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 193/2025/QH15.
2. Thực hiện quyền tự chủ, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm trong việc thương mại hóa theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 193/2025/QH15 thực hiện như sau:
a) Việc sử dụng tài sản là kết quả của việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ vào mục đích cho thuê, chuyển giao quyền sử dụng, kinh doanh dịch vụ và liên doanh, liên kết không hình thành pháp nhân mới được quy định tại Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
Việc thương mại hóa theo các hình thức cho thuê, chuyển giao quyền sử dụng và liên doanh, liên kết phải được lập thành Hợp đồng. Hợp đồng có các nội dung cơ bản: thời gian cho thuê, chuyển giao quyền sử dụng và liên doanh, liên kết; quyền và nghĩa vụ liên quan đến quản lý tài sản là kết quả của việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; giá cho thuê (chuyển giao quyền sử dụng); phương án phân chia kết quả thu được từ thương mại hóa và các nội dung khác. Việc thương mại hóa theo hình thức tự tổ chức kinh doanh dịch vụ, đơn vị tự quyết định phương án kinh doanh dịch vụ;
b) Việc quản lý, sử dụng kết quả thu được từ hoạt động cho thuê, chuyển giao quyền sử dụng, kinh doanh dịch vụ và liên doanh, liên kết không hình thành pháp nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này;
c) Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm lưu hồ sơ, chứng từ liên quan đến việc sử dụng tài sản vào mục đích cho thuê, chuyển giao quyền sử dụng, kinh doanh dịch vụ và liên doanh, liên kết không hình thành pháp nhân mới để bảo đảm trách nhiệm giải trình với cơ quan chức năng;
d) Cơ quan chức năng khi thực hiện kiểm tra, thanh tra, kiểm toán tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thì thực hiện kiểm tra hoạt động sử dụng tài sản vào mục đích cho thuê, chuyển giao quyền sử dụng, kinh doanh dịch vụ và liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật.
3. Kết quả thu được từ việc sử dụng tài sản vào mục đích cho thuê, chuyển giao quyền sử dụng, kinh doanh dịch vụ và liên doanh, liên kết không hình thành pháp nhân mới thực hiện như sau:
a) Việc quản lý, sử dụng kết quả thu được là hiện vật được quy định tại Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý theo pháp luật và theo Quy chế;
b) Kết quả thu được là tiền thì thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định tại khoản 4 Điều này.
4. Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc sử dụng tài sản vào mục đích cho thuê, chuyển giao quyền sử dụng, kinh doanh dịch vụ và số tiền được phân chia từ kết quả liên doanh, liên kết không hình thành pháp nhân mới được hạch toán riêng và kế toán đầy đủ theo quy định của pháp luật về kế toán.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 13/4/2025.
Nguyễn Bảo Vinh